ĐÀ LẠT MÙA HOA DÃ QUỲ NỞ RỘ


Hoa Dã Quỳ Đà Lạt là một loài hoa dại luôn tô điểm cho núi rừng nơi đây một sắc vàng khắp các triền đồi mỗi độ Đông về. Tôi chưa từng thấy một loài hoa nào có sức sống mãnh liệt như hoa Dã Quỳ, dường như không có gì có thể ngăn được loài cây này sinh sôi nảy nở. Và khi thấy hoa Dã Quỳ nở trên các triền đồi là người Đà Lạt biết ngay rằng mùa Đông đang về và mùa khô cũng sắp sang. Không giống như những loài hoa khác nở vào mùa Xuân, hoa Dã Quỳ Đà Lạt nở vào đầu Đông và nhuộm vàng hết cả núi đồi Đà Lạt.


TƯ VẤN DU LỊCH ĐÀ LẠT MIỄN PHÍ

Hotline: 02633912999

NGUỒN GỐC HOA DÃ QUỲ

Người ta bảo rằng Dã Quỳ Đà Lạt có nguồn gốc từ Trung Mỹ hoặc Mexico, nên còn gọi là hướng dương mexico, được người Pháp du nhập qua đây từ những năm đầu thế kỷ trước – khi những đồn điền của người Pháp và của cả người Việt vừa được khai phá và lập nên vùng đất Nam Tây Nguyên này. Lúc đầu loài cây thân mềm Dã Quỳ được trồng để tăng cường cho nhu cầu về loài phân bón hữu cơ bón cho cây trồng như trà, cà phê...Bởi đây là loài hoa dễ phát tán và có thể trồng được bằng cách giâm cành nên chẳng bao lâu sau khi đứng chân trên vùng đất Nam Tây Nguyên và một số tỉnh khác thuộc Tây Nguyên, Dã Quỳ có mặt ở khắp nơi và dần dần trở thành một loài cây hoang dại ở xứ này. Ngày nay, cứ mỗi lần Đông chớm sang, đi khắp vùng Đà Lạt, đi khắp vùng Nam Tây Nguyên, đi khắp vùng Tây Nguyên đâu đâu người ta cũng bắt gặp một màu vàng rưng rức của loài hoa báo đông – hoa Dã Quỳ.


Hoa Dã Quỳ Đà Lạt lung linh khoe sắc. 

          Rõ ràng theo các tài liệu khoa học thì Dã Quỳ là loài hoa ngoại nhập nhưng có lẽ vì quá yêu sắc vàng rưng rức mỗi khi Đông về với ảm đạm bầu trời mây xám, với hoang vắng thung sâu mù sương...nên người Đà Lạt đã thêu dệt nên một “huyền thoại” gắn với cư dân thiểu số bản địa cho loài hoa này chăng? “Huyền thoại” đó được truyền miệng trong cư dân xứ sương mù rằng: ngày xưa ấy, lâu lắm rồi, ở một buôn làng thiểu số Nam Tây Nguyên có đôi trai tài gái sắc K’lang và Hơ Linh yêu nhau say đắm. Ngày ngày, đôi trai tài gái sắc ấy với sự chăm chỉ lao động và biết múa hay đàn giỏi nên được dân làng vô cùng yêu mến. Trong khi cộng đồng đang ủng hộ cho đôi trai gái thì chính con trai tộc trưởng lại rắp tâm bàn mưu tính kế hại chàng trai. Bữa đó, vào một ngày chớm đông, chàng K’lang vào rừng với cái ná săn con nhím, con cheo để tối về thổi khèn, múa xoong với dân làng như mọi khi. Chàng đi, đi mãi, mặt trời lặn phía đằng Tây đã lâu mà dân làng vẫn chưa thấy chàng về. Trắng đêm nàng Hơ Linh không ngủ. Mặt trời mọc ở đằng Đông mà vẫn không thấy bóng người yêu đâu. Hơ Linh sốt ruột nên theo vào rừng theo hướng chàng K’Lang đã đi hôm qua. Nàng đi, và cứ đi mãi. Đến một ngọn núi cao giữa rừng già, một cảnh tượng quá bất ngờ đập vào mắt nàng: người yêu K’lang bị chính con trai tộc trưởng trói chặt vào một gốc cây cổ thụ. Nàng lao tới ôm chầm lấy người mình thương yêu. Những mũi tên lao vút vào đôi trai gái. Mặc, nàng vẫn ôm choàng che chắn cho người mình yêu. Và, nàng Hơ Linh đã gục xuống bởi mũi tên tẩm độc của chính con trai tù trưởng phóng thẳng. Máu dưới chân nàng Hơ Linh loang cả một góc rừng. Từ nơi đó một loài cây mọc lên và hoa nở vàng rực dưới bầu trời u ám chớm đông.

Hoa Dã Quỳ Đà Lạt><i style=
Hoa Dã Quỳ nhuộm vàng khắp triền đồi Đà Lạt.

        HOA DÃ QUỲ - BIỂU TƯỢNG CỦA THÀNH PHỐ HOA ĐÀ LẠT

Rất có thể vì yêu quý loài hoa Dã Quỳ ngoại dã “hoang dại” trên vùng đất Nam Tây Nguyên này nên người bản địa đã gắn vào đó một truyền thuyết nghe rất “truyền thống” bởi hậu cảnh của câu chuyện là cư dân thiểu số bản địa và với mô típ thường thấy là các truyền thuyết về tình yêu đôi lứa của người Tây Nguyên. Hơn thế nữa “người ngày nay” còn muốn biến loài hoa Dã Quỳ hoang dại này thành một biểu trưng của thành phố hoa Đà Lạt: không chỉ lấy hoa Dã Quỳ làm biểu tượng cho Festival hoa Đà Lạt mà còn có nhiều nhà khoa học muốn hóa thân Dã Quỳ thành một loài mới của riêng Đà Lạt thông qua những chương trình nghiên cứu khoa học của mình. Một số nhà khoa học của Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt đã làm công việc này. Sự thành công của công trình khoa học “biến đổi gen Dã Quỳ” để Dã Quỳ “lùn” hơn và nhiều màu sắc hơn tuy chưa thể tuyên bố điều gì cả nhưng qua đó cho ta thấy Dã Quỳ một loài hoa ngoại nhập, đã trở thành loài hoa bản địa của xứ sương mù Đà Lạt trong sự đón nhận đầy thiện chí của người dân nơi đây.

         

>>>Tham khảo thêm: Top 10 điểm vàng rực hoa Dã Quỳ Đà Lạt.
Suốt cả mùa Đông nơi cao nguyên Lâm Viên, Dã Quỳ mãi rưng rức màu vàng day dứt như nói thay lời yêu thương và nhắn nhủ từ mối tình của nàng K’Lang và nàng Hơ Linh – một truyền thuyết mới về loài hoa Dã Quỳ. Và đúng vậy, Dã Quỳ chính là loài hoa chuyên nhận phần thua thiệt trong giá lạnh để khi nó vừa tàn thì mùa Xuân xứ hoa Đà Lạt càng thêm rực sắc.

Dalat Holiday Travel Du Lịch Đà Lạt Giá Rẻ Nhất 2024
9/10 986 bình chọn

Comments